Vụ án Vườn Cam và những lỗi lầm của tuổi trẻ
Huy Phương/Người việt
Bà Kim Hà, quê Thái Bình (Bắc Việt) di cư vào Nam năm 1954, một nhà văn và là một nhà hoạt động xã hội tại Quận Cam. Tháng 3 năm 1980 bà đã cùng với chồng và con, cùng một cái thai 5 tháng trong bụng, vượt biên bằng đường bộ qua ngã Kampuchea.
![]() |
Nhà văn Kim Hà. (Hình: Huy Phương) |
Bảy tháng sau, qua những đoạn đường gian khổ, bà và gia đình mới đặt chân đến Mỹ, nhờ lúc ấy thân mẫu của bà đang ở Mỹ và bà là nhân viên của Hội Tin Lành tại Việt Nam. Năm 1992, bà Kim Hà đã xuất bản cuốn hồi ký “Qua Cơn Bão Dữ” nói về cuộc hành trình vượt biên này và sau đó bà đã dịch lại cuốn sách qua Anh ngữ nhan đề là “Stormy Escape”. Hiện nay bà đang phụ trách chương trình “Giờ Của Mẹ” trên đài Little Saigon Radio.
Thời gian nhà văn Kim Hà và gia đình đến định cư tại tại Orange County, California, nơi mà người Việt lúc bấy giờ gọi vùng đất này là “Vườn Cam”, đã xảy ra một vụ án gây xôn xao trong dư luận cộng đồng người Việt, một cộng đồng thiểu số mới hiện diện trên đất Mỹ trong vòng 5 năm, đang còn non yếu về mọi phương diện.
Bốn thanh thiếu niên người Việt trong đó có hai anh em ruột là Phạm Quốc Dũng 19 tuổi, và Phạm Bộ 18 tuổi, Nguyễn Quang Minh 18 tuổi và TL chỉ mới 16 tuổi đã rước một cô gái Mỹ trắng “đứng đường” trên đại lộ Harbor, Santa Ana đi hành lạc, theo lời họ. Vì tiền bạc không sòng phẳng và có sự bất như ý về cách đối xử, hôm sau khi các thanh thiếu niên này trở lại gặp cô gái để trả nốt số tiền còn thiếu, cảnh sát đã giăng lưới và đưa tất cả ra tòa vì các tội “bắt cóc, hãm hiếp nhiều người khác và kéo nạn nhân lên xe dù nạn nhân phản đối,” với sự hiện diện của nhiều nhân chứng xuất hiện phút chót.
Bản án dành cho hai anh em họ Phạm mỗi người là 120 năm, Nguyễn Minh 100 năm, và TL, người trẻ chưa đến tuổi thành niên, lãnh bản án 50 năm. Bản án 390 năm cho bốn thiếu niên Việt Nam, được dư luận cho là quá nặng, đầy tính kỳ thị và có những phần oan ức không được giải bày. Vì nếu các em nay giết chết cô gái thì bản án cũng chỉ vài chục năm là cùng. Vì gia đình các em đều mới đến Mỹ, rất nghèo không có tiền nên các luật sư đại diện đều do tòa án chỉ định.
Từ năm 1994, bà Kim Hà gia nhập nhóm bảo vệ Nhân Quyền có tên AWARE (Alliance Working for Asian Rights Empowerment) để nói lên tiếng nói bênh vực các tù nhân bị bản án quá nặng nề hay bị xử quá oan ức. Công việc của nhóm này là đối thoại trực tiếp với hệ thống luật pháp, các ty cảnh sát, các công tố viên, các luật sư và với các vị đại diện dân biểu. Bà và các bạn bà thường tổ chức những buổi đi thăm các nhà tù, ca hát, tặng sách báo và cho tem thư cho tù nhân.
Nhóm của bà tranh đấu cho tù nhân bằng cách liên lạc với giới chính quyền: Các nghị viên, cảnh sát, luật sư miễn phí (public defender) và cha mẹ của các cháu bị án oan, sử dụng truyền thông để tranh đấu… Kết quả là có một số đã được giảm bản án hay được tha bổng như trường hợp của cháu Trần Anh Tú năm 1994. Tú cùng bạn đi ăn đêm, có xích mích với người ở bàn bên cạnh, rồi xảy ra ấu đả. Một người rút súng bắn chết bạn của Tú, còn Tú bị thương nặng, nhưng lại bị ghép tội băng đảng, giết người. Bà Kim Hà nói năm 1994 nhóm của bà Kim Hà đã giải cứu được cháu Trần Anh Tú, em được tha bổng, khỏi bị kết án tù từ 10 năm đến chung thân. Bà cho rằng lý do là vì nhóm của bà đã đi biểu tình phản đối và tuần hành trước Tòa Án Santa Ana, California. Ngoài ra, bà Kim Hà còn đến dự các phiên tòa với tính cách là đại diện của một hội đoàn dân quyền. Kết quả là có một số tù nhân đã được giảm án, điển hình là cháu Vũ Sự và cháu Phượng Nguyễn và nhiều cháu khác nữa.
6,000 chữ ký cho các em trong vụ án Vườn Cam
Sau vụ Trần Anh Tú, chương trình Phụ Nữ do bà Thái Hà phụ trách trên đài Little Saigon Radio có phỏng vấn bà về vụ của Tú, nhân thể có sự giúp đỡ của giới truyền thông nên nhóm của bà đã xin thính giả đến địa điểm của tiệm vải Bolsa Fabric trên đường Bolsa, Westminster để ký thỉnh nguyện thư xin giảm án cho 4 em Vườn Cam. Mọi người đều hưởng ứng tích cực. Lúc ấy, nhóm thiện nguyện của bà đã lấy được hơn 6 ngàn chữ ký và gửi cho thống đốc California lúc đó là ông Pete Wilson nhưng không được hồi âm. Năm 1999, bà Kim Hà đã liên lạc với thượng nghị sĩ California là ông Joe Dunn và phụ tá Nguyễn Chuyên, để thu xếp cho bà, LS Từ Huy Hoàng, LS Thomas Ðào, gia đình của Phạm Dũng và Bộ, gia đình của TL và đại diện của Cộng Ðồng Người Việt California, đại diện các tôn giáo như Tin Lành, Phật Giáo, Công Giáo, gặp gỡ bộ trưởng tư pháp lúc ấy là ông Bill Lockyer để đệ trình thỉnh nguyện thư gồm hơn 6 ngàn chữ ký nói trên. Tuy vậy chuyến đi này cũng không đem lại kết quả nào.
![]() |
Trần Anh Tú trong buổi họp báo sau khi được tòa tha bổng, bà Kim Hà đứng giữa. (Hình: Kim Hà cung cấp) |
Ngày 22 tháng 12 năm 2007, bà Kim Hà nhận được một bức thư từ nhà tù ở Arizona của Phạm Dũng, báo tin cho biết, Nguyễn Quang Minh, một trong bốn người tù trẻ của vụ án kể trên đã qua đời ngày 30 tháng 5 năm 2007 vì bệnh bướu não. Như vậy là ba người còn lại, TL đã ra tù sau 27 năm (vào tù năm 16, ra tù đã 43 tuổi), Phạm Bộ còn ở lại trại tù San Quentin California, và Phạm Dũng phải chuyển đi trại tù Florence, Arizona.
Về trường hợp của Nguyễn Quang Minh, ngày 11 tháng 10, 1984, một người Mỹ là bà Dave Mariani, giáo sư môn học Basic Skills, một thiện nguyên viên thường vào ra nhà tù San Quentin, đã viết thư cho Thẩm Phán Briseno để xin khoan hồng cho Minh trước khi chết, vì Minh muốn được chết trong danh dự, chết ngoài nhà tù, nhưng không được cứu xét.
Trong bức thư này bà Dave Mariani đã viết: “Tôi biết rõ hành động của Minh đã gây ra một tình trạng nguy hại. Tuy nhiên, tôi cũng rất đau đớn khi thấy sự hiện hữu và sống còn hàng ngày thật tối tăm ở bên trong nhà tù San Quentin này. Nhà tù luôn có bạo lực, cái chết, sự hăm dọa, những sự hành hạ bằng lời nói và hành động, các áp lực, khó khăn khi giao thiệp với các tù nhân khác, sự cô đơn… Tất cả chồng chất bằng sự cách ly. Nhà tù dần dần nuốt chửng linh hồn một con người. Có người công dân bình thường nào hiểu được nhà tù là gì không?
Tôi biết rằng trách nhiệm của một quan tòa là nghe hết mọi câu chuyện từ mọi phía; những tiếng nói đòi trả thù, những tiếng khóc, những nỗi đau đớn của những trái tim giận dữ. Chức vụ của ông là khoan hồng, khôn ngoan, thấu hiểu và có lòng trắc ẩn.
Tôi cũng biết, quyết định xử phạt của ông là không muốn nhắm đến sự trả thù. Khi trả thù tàn nhẫn tức là hành động tàn nhẫn. Nếu chúng ta ở một xã hội dùng hình phạt là một công cụ để trả thù thì chúng ta đã phạm tội đối xử tàn nhẫn, và điều này là một điều duy nhất để phân biệt con người với các loài thú vật.”
Nguyễn Quang Minh đã chết vào đêm Thứ Tư 30 tháng 5 năm 2007, trong giấc ngủ, rất bình an, không đau đớn. Trước khi chết, Linh Mục O’Neal của nhà thờ Sacred Heart đã đến ban các bí tích cuối cùng cho Minh. Lẽ ra Minh phải được thả ra hơn 20 năm về trước. Khi bị kết án trên 120 năm tù, Minh đã nhờ bạn bè nhắn với gia đình của Minh ở Việt Nam rằng anh đã bị chết trong một tai nạn xe hơi rồi.
Sau vụ án, song thân của hai em Dũng và Bộ cảm thấy quá nhục nhã cho gia đình nên đã trở lại Việt Nam và đã qua đời. Mẹ của Nguyễn Quang Minh cũng đã mất ở Việt Nam. Riêng bà mẹ của TL, đã khóc hết nước mắt cho đứa con 16 tuổi khi con vào tù, và không thể chờ con đến 27 năm.
Người chết đã yên nghỉ, người còn ở tù chưa biết ngày nào được ra, với bản án 120 năm, nếu không được khoan hồng sớm, họ có thể chết trong tù. Nhưng với TL, một trong bốn em trong vụ án Vườn Cam, mới được ra tù năm 2007 đã đối mặt với một xã hội kỳ thị và những ràng buộc về pháp luật về bản án “sex offender”, cần sự thông cảm và tha thứ của cộng đồng người Việt, để cho em có cơ hội làm lại cuộc đời, được sống một đời sống tử tế và lương thiện. TL đang gặp khó khăn nếu bị nhận diện, nên chúng tôi tạm giấu tên em.
Viết lại vụ án Vườn Cam, chúng tôi chỉ có mục đích mong các bậc cha mẹ lưu tâm đến các em, tránh cho các em đàn đúm với bè xấu, nhiều khi đi chơi chung, chỉ một em có hành động phạm tội, những em khác có thể bị liên lụy, bị kết tội băng đảng (gang) mà hậu quả thật khó lường.
Kỳ sau: Trường hợp của TL: Mãn hạn ở tù, không có nghĩa là hết tội!
nguồn: Người Việt online
Tôi qua Mỹ ngày 20/06/1980 nay tôi đã 70 tuổi đời…
Xin cho biết tin về em TL đã tự do năm 2007 để tôi có dịp gặp và giúp đỡ…
Rất cám ơn
Trần Văn Diên
2229 New York Ave #12
Arlington, TX 76010
Email: [email protected]
Phone: 682 248 0446